Dấu hiệu Mèo mang thai – Những lưu ý cần biết
Mèo là loài động vật xinh đẹp, thông minh và đáng yêu nên được nhiều người yêu thích và chọn làm thú cưng để nuôi. Do đó, việc chăm sóc một chú mèo chưa bao giờ là điều dễ dàng và đặc biệt là với những chú mèo đang trong thời gian mang thai. Mặc dù mang thai và sinh con là quy luật tự nhiên của động vật nhưng những chú mèo được nhận nuôi vẫn cần sự giúp đỡ của con người.
Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ tới bạn, các dấu hiệu Mèo mang thai cũng như cách chăm sóc mèo mang thai và những lưu ý bạn cần biết khi chăm sóc chúng. Hãy dành ít phút để xem bài viết này của Animalsworld.vn nhé!
Các dấu hiệu Mèo đến mùa sinh sản
Dấu hiệu động dục ở Mèo cái
Mèo cái khi đến mùa động dục sẽ có tâm trạng bồn chồn, nôn nóng đứng ngồi không yên. Chúng sẽ phát ra những âm thanh chói tai, rên rỉ dai dẳng với mục đích mời gọi mèo đực. Hành động này ở mèo được gọi là gào đực, nhiều con mèo có phản ứng mãnh liệt đến bỏ ăn, bỏ uống. Và nếu phát hiện mèo bỗng dưng nhiệt tình quá mức với những hành động sau thì cũng là những dấu hiệu đến mùa sinh sản của mèo.
Hay cọ mặt vào những đồ vật xung quanh với mục đích lưu lại mùi hương của chúng và mời gọi mèo đực.
Liên tục cọ vào chân, người bạn và có thể cào cắn bạn khi bạn quay đi. Mèo bỏ nhà đi.
Ngồi, lăn, bò,… tạo ra những tư thế kỳ quặc hay liếm âm hộ thường xuyên.
Khi bạn gãi lưng cho mèo trong mùa động dục, thì bạn sẽ phát hiện nó vô thức nâng mông lên và phần đuôi bị lệch hẳn sang một bên.
Nơi có mèo cái đang trong mùa động dục thường xuất hiện mèo đực lảng vảng ở khu vực xung quanh chúng. Mèo đực có thể đi tiểu vào nhà mèo cái để đánh dấu lãnh thổ hay thậm chí là cố gắng đột nhập vào nhà để giao phối với con cái hoặc dụ dỗ con cái bỏ nhà đi.
Dấu hiệu động dục ở mèo Đực
Mèo đực không có giai đoạn động dục như mèo cái. Nhưng khi đến một độ tuổi trưởng thành (khoảng 4-6 tháng tuổi) thì chúng sẽ có những biểu hiện bất thường như sau
đánh dấu nước tiểu hoặc nước tiểu có mùi hăng và mèo đực luôn cố gắng đòi ra ngoài để tìm bạn tình.
Tình trạng này sẽ trở nên quá mức khi mèo đực bắt đầu gào.
Lưu ý trong kỳ động dục của Mèo
Mèo trong thời kỳ động dục rất dễ bỏ nhà đi. Nên khi mèo có những hành động lạ và quá khích, bạn không nên la mắng chúng mà hãy trấn an chúng và cần lưu ý một số điều sau:
- Quan tâm, chăm sóc và chải chuốt cho chúng thường xuyên và dành thời gian chơi với mèo.
- Tạo không gian nghỉ ngơi riêng, thoải mái cho mèo.
- Dùng thảo dược hay bạc hà mèo để làm dịu cơn động dục của chúng.
- Bật nhạc êm dịu và thường xuyên dọn sạch cát vệ sinh của mèo.
- Đóng cửa để tránh mèo bỏ nhà đi.
Dấu hiệu nhận biết Mèo mang thai
Núm vú đổi màu
Trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, từ khoảng 15-18 ngày, dấu hiệu đầu tiên biết mèo mang thai là dựa vào núm vú của mèo, núm vú của mèo bắt đầu chuyển sang màu hồng nhạt. Sau đó nó sẽ dần dần đậm màu hơn và phát triển kích thước ngày càng lớn để có thể chứa đủ sữa cho mèo con sau khi sinh ra.
Hình dạng cơ thể thay đổi
Ở giai đoạn mang bầu, bạn sẽ thấy cơ thể của những chú mèo khi mang thai thay đổi rất nhiều. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy cơ thể chúng lúc này phần lưng hơi võng xuống và phần bụng hai bên phình to lên, phần tay chân và cổ của mèo cũng mập mạp hơn. Khi đó mèo cũng ăn và ngủ nhiều hơn bình thường.
Thay đổi hành vi
Khi mang thai mèo không còn kêu gào nhiều mà đột nhiên trở nên hiền lành, từ tốn và chúng muốn được vuốt ve, âu yếm nhiều hơn mọi khi. Một vài dấu hiệu mèo mang thai khác như thỉnh thoảng bé mèo sẽ buồn nôn, nôn ra nước.
Mèo mang thai bao lâu thì đẻ?
Thời gian mang thai thông thường của mèo là 58- 67 ngày. Có một số trường hợp đặc biệt, mèo có thể mang thai đến 72 ngày mới đẻ. Thông thường mèo khi mang thai từ 2 đến 3 tuần sẽ không có biểu hiện cụ thể. Nên người nuôi mèo sẽ chỉ phát hiện chúng đã mang thai từ tuần thứ 4 trở đi. Điều này có nghĩa họ chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc chăm sóc mèo khi mang thai và sinh đẻ.
Dấu hiệu Mèo mang thai sắp sinh
Mèo bắt đầu đi tìm ổ
Khi gần đến ngày sinh con, mèo mẹ sẽ có hành động chuẩn bị ổ của mình. Chúng thường đi quanh nhà và chọn chỗ để làm ổ và chúng thường chọn những nơi yên tĩnh, vắng người, ấm áp và an toàn để làm ổ. Nếu bạn không biết vị trí ổ của mèo ở đâu thì có thể tìm kiếm các vị trí quen thuộc như gầm giường, gầm bàn, tủ quần áo,…
Sự thay đổi trên cơ thể của mèo
Đầu tiên là bạn sẽ nhìn thấy bộ phận sinh dục của mèo sẽ sưng to, phần vú thì căng to hơn. Để kiểm tra chắc chắn thì bạn có thể dùng tay bóp nhẹ núm vú mèo và nếu thấy sữa rỉ ra thì tức là mèo sắp đến ngày sinh.
Lúc chuẩn bị sinh thì mèo mẹ sẽ thở gấp gáp và kêu rên nhiều hơn, phần bụng lúc này sẽ hơi cứng và hình dạng hai bên không đều nhau. Tất cả dấu hiệu đó cho thấy mèo của bạn sắp sinh và bạn hãy chuẩn bị thật kỹ để hỗ trợ mèo mẹ khi cần thiết nhé!
Dấu hiệu mèo mang thai sắp chuyển dạ
Khi mèo chuyển dạ sắp sinh, chúng có xu hướng liếm láp cơ thể nhiều hơn, chủ yếu là những vùng bụng. Nhiệt độ của mèo lúc này thấp hơn bình thường, chỉ còn khoảng 36.9 – 37.9 độ.
Nếu như bạn không yên tâm và không chắc chắn có thể hỗ trợ tốt để mèo tự sinh nở ở nhà, thì hãy đưa mèo đến các cơ sở thú y gần nhất.
Ngoài ra, khi phát hiện những dấu hiệu sau đây thì bạn phải nhanh chóng đưa thú cưng của mình đến trung tâm thú y để chữa trị kịp thời
Mèo mẹ ra máu trước thời kỳ chuyển dạ, đây là dấu hiệu cho thấy nhau thai của mèo đã bị vỡ và điều này rất nguy hiểm.
Xuất hiện dịch màu xanh nhạt, đây là dấu hiệu cho thấy vấn đề nhau thai đã bị phân tách.
Có dịch màu xanh lá hơi vàng tiết ra ở âm hộ, đây là dấu hiệu cho thấy mèo mẹ có thể đã bị nhiễm trùng tử cung.
Cách chăm sóc khi Mèo đang mang thai
Trong thời kỳ mèo mang thai, cơ thể của chúng rất yếu và cần được chăm sóc kỹ hơn bình thường.
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên đổi món cho mèo mẹ, chú ý bổ sung nhiều tinh bột và không cho mèo ăn đồ cứng.
Trong giai đoạn mang thai không nên tiêm cho mèo và không cho mèo sử dụng chất kích thích để đảm bảo vấn đề sức khỏe thật tốt của mèo.
Hãy giữ ấm cho mèo trong suốt giai đoạn mang thai, nhất là vào mùa lạnh.
Nên đưa mèo đi khám sức khỏe đều đặn.
Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi mèo nằm và nơi sinh hoạt của chúng.
Thường xuyên tỉa bớt lông ở khu vực âm hộ và quanh vú của mèo mẹ để đảm bảo vệ sinh cũng như để chuẩn bị cho giai đoạn cho con bú sau này.
Trong giai đoạn những tuần cuối thai kỳ, bạn có thể cho mèo mẹ ăn thức ăn của mèo con để mèo con trong bụng phát triển tốt nhất.
Những lưu ý khi chăm sóc Mèo mang thai
Trong giai đoạn mèo đang mang thai, bạn cần phải cần lưu ý trong việc chăm sóc để đảm bảo sức khỏe cho cả mèo mẹ và mèo con. Một số lưu ý mà bạn cần cân nhắc như sau
Thường xuyên kiểm tra và đưa mèo đi khám thai.
Bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn của mèo mẹ.
Làm ổ phù hợp để cho mèo mẹ dưỡng thai.
Chuẩn bị những thứ cần thiết để chăm sóc mèo sau sinh.
Trên đây là những chia sẻ về dấu hiệu mèo mang thai, cách chăm sóc mèo và những lưu ý khi chăm sóc mèo mẹ. Hi vọng qua bài viết này các bạn đã biết cách chăm sóc và bảo vệ mèo cưng của bạn một cách tốt nhất nhé!